2019/03/15

3 trường học có thiết kế kiến trúc đẹp tại Việt Nam

Những thiết kế mang đậm tính trực giác như “Nhà trẻ xanh” từ VTN Architect tại Biên Hòa là một tín hiệu cho thấy làn sóng mới trong xu hướng thiết kế kiến trúc trường học Việt Nam – thiên về tính độc đáo và giao hòa với thiên nhiên. Xu hướng này không chỉ được áp dụng trong trường học mà còn ở các tòa nhà, chung cư, văn phòng và nhà hàng.
Trước đó, từ năm 2011, Võ Trọng Nghĩa (VTN) Architects đã bắt tay vào thiết kế trường THCS & PTTH Phan Chu Trinh với sự hợp tác của hai kiến trúc sư Sanuki Daisuke, và Shunri Nishizawa. Kể từ đó trở đi, các môi trường giáo dục tiên tiến khác cũng bắt đầu áp dụng phương thức thay đổi thiết kế, không gian nhằm kích thích khả năng tiếp thu và tương tác của học sinh.
Vietcetera điểm qua ba trường học Việt có kiến trúc đẹp, sáng tạo và nổi bật. Mỗi ví dụ đều là một không gian bền vững và góp phần xúc tiến chất lượng giáo dục, được thiết kế bởi ba kiến trúc sư Sanuki Daisuke, Takashi Niwa, và Đàm Vũ.

Mối liên hệ giữa kiến trúc trường học và chất lượng giáo dục

1. Nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2

Đặt tại quận 2, thiết kế Chuồn Chuồn Kim 2 mang dáng dấp của một ngôi nhà lego khổng lồ – tương tự như Chuồn Chuồn Kim 1 – nhưng với màu sắc truyền thống và nét ấm áp khác biệt hơn. Được biết, cả hai ngôi trường này đều đảm nhận bởi kiến trúc sư Đàm Vũ của Kiến trúc O.


Mặt tiền của Nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2 | Ảnh: Hiroyuki Oki

Gạch là nguyên tố thường thấy trong kiến trúc trường học Việt. Để thực hiện mặt tiền công trình này, những viên gạch thô được sắp xếp so le để tạo thành họa tiết và các lỗ thông gió. Mỗi phần tường gạch đều được sắp xếp một cách khác biệt, nét ấm áp và mộc mạc của chúng tương phản với màu sắc rạng rỡ bên trong ngôi nhà.
“Quá trình trùng tu đi cùng với những giới hạn tồn tại từ trước đó. Chúng tôi phải ứng biến,” Đàm Vũ bắt đầu chia sẻ về quá trình biến một ngôi nhà cũ kỹ thành không gian học tập, tương tác cho trẻ em như ngày hôm nay.


Bản thiết kế hoàn thiện của CCK2 | Ảnh: Kiến Trúc O

Với mục đích tạo ra một không gian nơi trẻ em có những trải nghiệm phong phú và giàu ý nghĩa, “nên gạch thô là vật liệu phù hợp nhất cho bề ngoài công trình này,” Đàm Vũ chia sẻ. “Gạch khiến tôi gợi nhớ đến những khối lego trẻ em hay chơi, đồng thời bề mặt thô tưởng chừng như vừa xây xong hoặc vẫn đang xây dở.” Ngoài ra, nhóm kiến trúc sư còn thiết kế bề mặt gạch thô gồ ghề để định hướng gió thổi vào từ tầng dưới cùng, kết cấu gạch tầng dưới cùng mỏng hơn tầng trên để tản nhiệt và nắng.


Kiến trúc sư Đàm Vũ của Kiến Trúc O

“Nhưng chi tiết đặc biệt nhất của tòa nhà nằm ở bên trong,” Đàm Vũ cho biết, “mỗi tầng có một phong cách khác nhau, nhưng đều đối lập với tường gạch tĩnh lặng bên ngoài. Các phòng học có nhiều màu sắc hơn các trường học Việt Nam trước đây, và không gian cởi mở để trẻ em chơi chơi đùa tự do.” Tuy nhiên, dù có khác biệt thế nào, mục đích chung vẫn là khuyến khích những hoạt động giàu ý nghĩa giữa giáo viên và học sinh, đồng thời cũng là một phương pháp để khích lệ trẻ em khám phá, phát triển trí tò mò, và học tập.


Sảnh kính kết nối với cầu thang xoắn | Ảnh: Hiroyuki Oki

Một nguồn cảm hứng khác của Chuồn Chuồn Kim lại đến từ hang động. Theo như kiến trúc sư, “hang động truyền cảm hứng cho những tâm hồn thích phiêu lưu, và khiến cho những nhà thám hiểm nhỏ biết trân trọng nắng, gió, và những không gian rực rỡ sắc màu hơn.”


Trẻ em trong một lớp họp tại Nhà trẻ CCK2 | Ảnh Hiroyuki Oki

Tóm lại, những nhà trẻ như Chuồn Chuồn Kim 2 cho phép trẻ em tại thành phố có không gian để tự do vui đùa, khám phá. Tuy nhỏ nhưng giao hoà với thiên nhiên để tập cho trẻ biết trân quý hệ sinh thái từ khi còn bé.

2. Trường THCS & PTTH Phan Chu Trinh



Học sinh ra chơi tại Trường Bình Dương | Ảnh: Hiroyuki Oki

Trường THCS & PTTH Phan Chu Trinh là ngôi trường tư lập nằm khuất trong một khu rừng tại tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn 30 phút chạy xe. Với khí hậu nhiệt đới gồm hai mùa khô và mưa, và nóng ẩm quanh năm, cấu trúc trường đảm bảo tiện nghi bậc nhất trong cả mưa lớn và nắng gắt.
Daisuke
Sanuki Daisuke là một trong những kiến trúc sư thực hiện dự án này tại VTN – công ty kiến trúc Việt Nam nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế. “Tôi tham gia vào giai đoạn sau của dự án để phụ trách các yếu tố thiết kế chi tiết,” Sanuki giải thích.


Bản vẽ Bình Dương nhìn từ trên với hai sân trường | Ảnh: Hiroyuki Oki

Từ bỏ mọi ảnh hưởng từ kiến trúc Pháp thường thấy trong các môi trường học Việt Nam, ngôi trường này có kết cấu giao hòa với thiên nhiên, cởi mở với môi trường bên ngoài. Do khi hậu nhiệt đới, hầu như tất cả các cấu trúc trong trường đều là cửa sổ, khoảng trống, hoặc bề mặt thanh nhẹ – học sinh có thể nhìn ra sân trường từ bất kỳ tầng học nào. Mỗi mùa mưa, từng tầng học đều được bảo vệ trong khi bề mặt sảnh được thiết kế cho việc thoát nước nhanh chóng và tự nhiên. Theo như Sanuki, “với khí hậu nhiệt đới, đặc điểm này là sự bổ sung thiết yếu mà bất kỳ mô hình trường học nào ở Việt Nam cũng cần có.”


Học sinh đi qua sảnh Trường Bình Dương | Ảnh: Hiroyuki Oki

Trường có hai khoảng sân rộng – một chung và một riêng. “Sân riêng là nơi tĩnh lặng và thư giãn, thậm chí có cả bể bơi,” Sanuki chia sẻ. “Sân chung là nơi dành cho những hoạt động tập thể ồn ã hơn như chơi đùa và gặp gỡ nhóm bạn.” Dù công trình có thiết kế chữ S nhưng Sanuki tìm cách tăng cường sự lưu thông và đặt thêm các đường kết nối liên tiếp. Chính anh đã phản đối kế hoạch ngăn cách hai khoảng sân bằng tường, nhấn mạnh rằng chúng được kết nối với nhau. Có như vậy, “công trình mới giữ được nét phóng khoáng trong khi học sinh có thể tự do đi lại từ không gian này tới không gian khác,” anh giải thích.

3. Nhà trẻ xanh – Farming Kindergarten



Ảnh chụp vệ tinh cấu trúc Nhà trẻ xanh | Ảnh: Hiroyuki Oki

Nhà trẻ xanh – dự án kết hợp giáo dục với phát triển bền vững – đã được giới chuyên môn công nhận với nhiều đề cử và giải thích quốc tế. Xây dựng tại tỉnh Đồng Nai, ngôi trường có mái ngói uốn thắt nút thành ba vòng, bao phủ khu vực thoáng mát phía dưới cho trẻ em vui chơi.


Takashi Niwa
“Đây là một bước tiến tới văn hóa bền vững hơn ở Việt Nam mới,” Takashi Niwa chia sẻ về thiết kế của anh cho Nhà trẻ xanh.

Thiết kế và xây dựng với ngân sách tiết kiệm, Nhà trẻ xanh nằm gần một nhà máy giày và chuyên dành cho việc đào tạo con em công nhân làm việc tại đây. Ngôi trường là một dự án xã hội của doanh nghiệp giày và được xây dựng với nguồn hỗ trợ tài chính từ nhà máy. Ngoài ra, nhà trẻ này còn là một ví dụ điển hình cho những kiến trúc trường học thân thiện môi trường.
Để tìm hiểu thêm về quá trình thiết kế, chúng tôi đã nói chuyện với Takashi Niwa, một trong những kiến trúc sư của Nhà trẻ xanh. Niwa đảm nhiệm vai trò một trong những kỹ sư chính của dự án, làm việc bên cạnh Masaaki Iwamoto và Võ Trọng Nghĩa.


Trẻ làm vườn với người hướng dẫn trên mái Nhà trẻ xanh | Ảnh: Hiroyuki Oki

Đội ngũ này biết mình muốn tạo ra ba sân chơi trên mái nhà, và thiết kế mái vòng giúp phân cách các không gian trong khi học sinh vẫn có thể di chuyển tự do giữa các sân. Không những vậy, trước thực trạng Việt Nam hiện đứng thứ 27 về khí thải nhà kính, Niwa nhấn mạnh rằng học sinh cũng cần biết cách tương tác với môi trường tự nhiên xung quanh từ khi còn nhỏ. Đó là lý do ba sân chơi kể trên được thiết kế như là những “vườn treo” trên tầng mái. “Đây là một bước tiến đến nền văn hóa bền vững hơn ở Việt Nam,” anh giải thích, “là sân chơi sáng tạo cho trẻ em, nơi các bé có cơ hội học tập về hệ sinh thái và môi trường.”


Sân khấu nơi các bé và thầy cô tham gia các hoạt động văn nghệ tập thể | Ảnh: Hiroyuki Oki

Nhiệm vụ mỗi ngày của học sinh là tự tay vun trồng rau sạch cho mình ngay trên khu vườn tầng mái. Niwa nói: “Khi trẻ nhỏ học cách tự trồng trọt, các bé sẽ cảm thấy một mối liên hệ đặc biệt hơn là những thứ thức ăn mua sẵn từ chợ.” Hơn thế nữa, khu vườn này còn khuyến khích tính tình nguyện của trẻ khi để các bé tự xung phong tưới cây hoặc thu hoạch trang trại. Để bảo vệ môi trường, khu vực trồng trọt sử dụng nước tái chế từ trường học, trong khi đó ngôi trường được làm mát dựa vào các kết cấu thông gió và cây xanh cách nhiệt trên mái thay vì sử dụng điều hòa.
Dưới tầng mái còn có một dãy bậc thang có thể biến tấu thành sân khấu, nơi các bé và thầy cô tham gia các hoạt động văn nghệ tập thể. Niwa cho rằng các dự án trường học mang ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là nơi có khả năng kiến tạo tương lai cho trẻ em và đất nước. “Qua dự án này, tôi muốn được đóng góp cho Việt Nam – đất nước mà giờ tôi gọi là nhà,” Niwa kết lại.

Bài viết này được dịch bởi Lace Nguyen.
Copy : http://vietcetera.com